Starbucks ecopark: Kiến trúc của sự tiếp nối quá khứ và tương lai

26/10/2020

Nổi bật với phong cách kiến trúc độc đáo của chuỗi các cửa hàng Starbucks trên toàn thế giới, công trình Starbucks Ecopark ghi dấu 7 năm hoạt động và là công trình thứ 63 tại Việt Nam của thương hiệu nổi tiếng này. Nằm trong khuôn viên của khu đô thị Xanh hàng đầu Việt Nam, công trình Starbucks Ecopark đã chuyển tải thông điệp về Kiến trúc xanh với những tìm tòi ý tưởng kiến trúc mới mẻ, đột phá.

Vietnambuilding là công ty tư vấn thiết kế đã được mời tham dự thi tuyển phương án kiến trúc cùng một số đơn vị tư vấn nước ngoài. Phương án của Vietnambuilding đã được lựa chọn sau khi thuyết trình trước hội đồng gồm Chủ đầu tư cũng như đại diện của Starbucks. Công trình được hoàn thiện vào đầu năm 2020 đã và đang được người dân, đặc biệt là giới trẻ thích thú khi trải nghiệm sự chuyển tiếp hài hoà của kiến trúc đô thị hiện đại và nông thôn tại khuôn viên công trình. TCKT đã có cuộc trao đổi với KTS Nguyễn Đức Hiệp – Tổng Giám đốc Công ty Vietnambuilding – Chủ nhiệm dự án về quá trình thiết kế công trình này.

KTS Nguyễn Đức Hiệp: Dự án Cafe Starbucks là sự kết hợp với văn phòng công ty Ecotech tại Công viên mùa Hạ – khu đô thị Ecopark. Ngay khi khảo sát thực địa, suy nghĩ đầu tiên của chúng tôi là: Tại sao ở một vị trí công viên đẹp như thế này, ngay lối vào cổng khu đô thị Ecopark, chủ đầu tư lại muốn xây dựng một công trình 2 tầng với 2 chức năng khác hoàn toàn nhau là quán cà phê và văn phòng làm việc? Chúng tôi không muốn phá vỡ cảnh quan cũng như cây xanh nơi đây. Vì vậy, cần tìm kiếm ý tưởng xây dựng một công trình ấn tượng, đảm bảo công năng của công trình nhưng phải gìn giữ không gian cây xanh.

KTS Nguyễn Đức Hiệp
Tổng Giám đốc Công ty Vietnambuilding

Với hai chức năng khác biệt, gần như là 2 công trình được đặt lên nhau, thì một trong những vấn đề đặt ra là làm sao để việc vận hành quán cà phê không ảnh hưởng đến văn phòng làm việc. Rõ ràng đây không phải là một building có thể có những sảnh giao thông mạch lạc như những công trình thường gặp khác.

Thách thức thứ 3 chính là định hướng từ phía chủ đầu tư về việc phát triển một công trình xanh với tổng mức đầu tư rất hạn chế.

PV: Đây là đề bài thiết kế khó. Vậy các anh đã tìm ra giải pháp thiết kế như thế nào?
KTS Nguyễn Đức Hiệp: Sau một thời gian nghiên cứu, chúng tôi đã tìm được phương án thiết kế hài hoà các yêu cầu đặt ra, đặc biệt là ngôn ngữ kiến trúc thể hiện công năng của 2 khối chức năng: Có lối đi riêng, sảnh đón riêng.

Cà phê là sản phẩm từ đất, chúng tôi muốn khối tầng 1 cũng dùng vật liệu hoàn thiện bên ngoài từ đất. Gạch Bát Tràng – gạch của địa phương dường như đã làm rất tốt nhiệm vụ này khi phương án thiết kế ốp gạch từ mái xuống tường. Trong khi đó, trên tầng 2, chúng tôi đã chọn vật liệu kính hiện đại, mang phong cách văn phòng. Kính low-e vừa tiết kiệm năng lượng vừa phản chiếu toàn bộ bóng cây lên mặt kính, tạo một hiệu ứng khiến cho toàn bộ khối tầng 2 như được ẩn vào trong không gian của những tán cây.

Công trình sử dụng 2 loại vật liệu khác nhau, hàm ý về sự tiếp nối quá khứ và tương lai nên ngoài vấn đề vật liệu, về hình khối công trình chúng tôi rất muốn 2 khối công trình được xoay lệch với nhau 1 góc nhất định. Điều này cũng sẽ đem lại cho không gian tại sân vườn tầng 1 những lối tiếp cận độc đáo.

PV: Ngoài hàm ý về vật liệu thì các giải pháp kiến trúc khác được xử lý như thế nào?

KTS Nguyễn Đức Hiệp: Chúng tôi đã khảo sát từng gốc cây để có thể đặt được khối công trình như mong muốn mà không phá bỏ một cây trưởng thành nào. Hai khối chữ nhật chéo nhau đã đảm bảo được điều này. Ngoài ra khối tầng 1 sẽ đón lấy hướng nhìn từ phía công viên, khối tầng 2 sẽ đón góc nhìn từ phía đảo giao thông. View nhìn từ khối văn phòng sẽ đẹp, cũng như sẽ có nhiều không gian ngoài trời hấp dẫn cho khối cà phê. Giải pháp kết cấu được đưa ra là BTCT cho tầng một với hệ mái chéo và kết cấu thép cho toàn bộ tầng 2 cũng như hệ cột giả cây chống cho khối nhô ra của tầng. Giải pháp cơ điện đặc biệt là HVAC cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng khi toàn bộ cục nóng điều hoà, máy bơm được dấu khéo léo tại một góc bên ngoài công trình…

Công trình tuy nhỏ nhưng khá phức tạp trong các chi tiết cấu tạo cũng như sử dụng vật liệu. Tuy nhiên, với Revit và công nghệ tiếp cận dần đến B.I.M, chúng tôi hoàn toàn kiểm soát được công việc của mình.

PV: Cảm nhận của anh như thế nào khi công trình hoàn thành?
KTS Nguyễn Đức Hiệp: Thật may mắn khi tất cả những tính toán thiết kế của chúng tôi đã được chủ đầu tư chấp nhận và tôn trọng triển khai đúng theo ý tưởng thiết kế. Công trình khi hoàn thiện đã thể hiện được rõ ràng 2 chức năng quán cà phê Starbucks và văn phòng công ty Ecotech. Hy vọng với thiết kế của Vietnambuilding, Starbucks sẽ đem lại cho những người sử dụng sự hài lòng về công trình cũng như những dịch vụ mà nó cung cấp.

PV: Cám ơn anh về cuộc trò chuyện và chúc Vietnambuilding một năm mới khởi sắc!

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01-2020)

Loading...